Đồng chí Phan Văn Khỏe sinh năm 1901 ở làng Mỹ Hạnh Đông, quận Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Hạnh Đông, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang). Đồng chí là con thứ tư trong gia đình nông dân nghèo; mặc dù đời sống vô cùng khó khăn nhưng gia đình vẫn cố gắng cho đồng chí đi học.
Vốn là người ham học hỏi, đọc nhiều sách báo và hay tìm hiểu các vấn đề đang diễn ra trong xã hội, nên đồng chí có vốn kiến thức sâu rộng hơn trình độ học vấn của mình và dễ dàng tiếp nhận tư tưởng chống Pháp, giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho nhân dân mà những người làm “quốc sự” đang tuyên truyền, vận động.
Năm 1928, đồng chí là hội viên Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên ở xã Mỹ Hạnh Đông. Đầu năm 1930, khi Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên thành chi bộ An Nam cộng sản Đảng thì đồng chí thành người đảng viên đầu tiên của quận Cai Lậy. Cuối tháng 4 năm 1930, Tỉnh ủy lâm thời Mỹ Tho phân công đồng chí phụ trách hoạt động cách mạng ở Cai Lậy. Đầu năm 1933, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Mỹ Tho. Cuối năm 1933, đồng chí được chỉ định làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Mỹ Tho, tập trung thực hiện nhiệm vụ củng cố tổ chức, phát triển lực lượng và chuẩn bị cao trào đấu tranh mới.
Ngày 01 tháng 5 năm 1936, đồng chí lãnh đạo cuộc đấu tranh của gần 500 đồng bào các xã vùng Mỹ Hạnh Đông kéo ra chợ Cai Lậy đòi dân sinh, dân chủ. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi và gây tiếng vang khắp tỉnh Mỹ Tho.
Cuối năm 1936, đồng chí là Xứ ủy viên Nam kỳ, phụ trách phong trào cách mạng các tỉnh Trung Nam kỳ. Đồng chí cũng đã tích cực tham gia triển khai Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ sáu (tháng 11 năm 1939).
Dưới ánh sáng của Nghị quyết Trung ương 6, xuất phát từ tình hình thực tế của Nam kỳ, tháng 3 năm 1940, Xứ ủy Nam kỳ đề ra chủ trương phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền về tay nhân dân. Lúc này Đồng chí Phan Văn Khỏe là Xứ ủy viên phụ trách các tỉnh ủy miền Trung Nam kỳ, theo yêu cầu của Đồng chí Võ Văn Tần - Bí thư Xứ ủy, Đồng chí đã tham gia soạn thảo và cùng Thường vụ Xứ ủy thông qua Đề cương chuẩn bị bạo động tại Hội nghị Xứ ủy họp vào tháng 4 năm 1940 tại Bến Lức, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An).
Sau hội nghị, đồng chí Phan Văn Khỏe đã triển khai Nghị quyết Trung ương 6 và Đề cương chuẩn bị bạo động đến các tỉnh thuộc địa bàn mình phụ trách. Riêng tỉnh Mỹ Tho, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Đồng chí Phan Văn Khỏe - Bí thư Tỉnh ủy, các quận ủy được củng cố, nơi chưa đủ điều kiện thành lập như Chợ Gạo thì thành lập quận ủy lâm thời để lãnh đạo phong trào.
Đến giữa năm 1940, chiến tranh thế giới lần thứ II bước vào giai đoạn ác liệt. Thực dân Pháp ở Việt Nam tăng cường đàn áp, khủng bố, thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ. Trước tình hình đó, nhằm chuẩn bị tốt cho cuộc khởi nghĩa, Xứ ủy tổ chức hội nghị tại Tân Hương (Tỉnh Tiền Giang). Hội nghị này bầu đồng chí Tạ Uyên làm Bí thư Xứ ủy, Đồng chí Phan Văn Khỏe, Lê Văn Khương làm Thường vụ Xứ ủy.
Khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ (ngày 23 tháng 11 năm 1940), đồng chí Phan Văn Khỏe cùng với tập thể Tỉnh ủy lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở tỉnh Mỹ Tho và trực tiếp chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở quận Cai Lậy. Mỹ Tho được xem là một trong những “cái nôi” của cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, biểu tượng sáng ngời cho tinh thần chiến đấu oanh liệt và ý chí quật cường của dân tộc.
Tính chung từ ngày 23 đến ngày 30 tháng 11 năm 1940, toàn tỉnh Mỹ Tho và Tỉnh Gò Công có 75/124 làng xã đã giành được quyền làm chủ. Hệ thống tề làng, đồn bót ở địa phương tan rã.
Điểm đặc biệt trong khởi nghĩa Nam kỳ, trong ngày 23 tháng 11 năm 1940, chính quyền cách mạng tỉnh Mỹ Tho được thành lập. Đồng thời, Hội đồng Tòa án nhân dân Tỉnh Mỹ Tho cũng được thành lập. Đây là địa phương thành lập được chính quyền cách mạng của nhân dân, Tòa án nhân dân ở cấp tỉnh. Mặc dù tồn tại trong thời gian ngắn nhưng những giá trị lịch sử để lại hết sức độc đáo.
Thắng lợi vẻ vang đó là của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Mỹ Tho, mà công lao đầu tiên thuộc về đồng chí Phan Văn Khỏe, Thường vụ Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho.
Cuộc khởi nghĩa ở Nam kỳ bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội, đảng bộ bị thiệt hại nặng, Xứ ủy bị vỡ; do vậy, tháng 1 năm 1941, các đồng chí Xứ ủy viên còn lại đã triệu tập Hội nghị mở rộng tại làng Đa Phước, quận Cần Giuộc, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh) để lập lại Xứ ủy, đề ra chủ trương mới. Hội nghị bầu đồng chí Phan Văn Khỏe làm Bí thư, ra Báo Giải phóng làm cơ quan tuyên truyền, hướng dẫn phong trào.
Từ lúc được bầu làm Bí thư Xứ ủy (tháng 01 năm 1941) cho đến lúc bị địch bắt (tháng 7 năm 1941) đồng chí Phan Văn Khỏe vẫn kiên cường bám trụ, tích cực lãnh đạo việc khôi phục tổ chức Đảng và phong trào cách mạng ở Nam kỳ, điều đó chứng tỏ tinh thần bất khuất, chủ động của đồng chí, khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng ngay trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Đảm trách chức vụ cao nhất của Đảng bộ Nam kỳ trong bối cảnh chính quyền thực dân Pháp khủng bố ác liệt, Xứ ủy bị đánh phá, bị tổn thất nặng nề, liên lạc với các nơi và với Trung ương bị gián đoạn, đồng chí Phan Văn Khỏe đã tỏ rõ bản lĩnh chính trị vững vàng, sự năng động, sáng tạo và tinh thần hy sinh vì Đảng, vì phong trào cách mạng của một chiến sĩ cộng sản kiên cường; nhờ đó, các cơ sở Đảng từ Xứ ủy, Liên tỉnh ủy, Tỉnh ủy đến tận chi bộ được thành lập lại để tiếp tục lãnh đạo phong trào đấu tranh quần chúng, tạo nền tảng cho sự phát triển của phong trào cách mạng ở Nam kỳ, tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi rực rỡ.
Tháng 7 năm 1941, đồng chí bị địch bắt và đày đi Côn Đảo. Tại “địa ngục trần gian” này, dù thực dân Pháp và tay sai dùng mọi thủ đoạn để mua chuộc, lôi kéo, dụ dỗ nhưng đồng chí không chút nao núng, lay chuyển; bọn cai ngục dùng mọi cực hình tra tấn, nhưng chúng chỉ nhận được ở đồng chí sự im lặng. Ở trong tù, khi nhận tin người em và con trai của mình đã anh dũng hy sinh, đồng chí vẫn luôn bền gan, quyết chí, giữ vững lập trường và niềm tin cách mạng; cùng với đồng chí, đồng đội nêu cao khí phách trung dũng, kiên cường, đấu tranh không khoan nhượng, giữ trọn khí tiết của người cộng sản chân chính.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Phan Văn Khỏe được chính quyền cách mạng rước từ Côn Đảo về đất liền. Với tinh thần cách mạng tiến công, đồng chí đã bắt tay ngay vào công tác mới, là đặc phái viên của Xứ ủy Nam bộ cùng với lãnh đạo liên tỉnh ủy miền Trung Nam bộ và Tỉnh ủy Mỹ Tho thực hiện nhiệm vụ tổ chức chiến khu kháng chiến vũ trang lâu dài.
Tháng 3 năm 1946, đồng chí rời quận Cai Lậy đi liên hệ công tác với các đồng chí ở quận Cái Bè, trên đường đi, không may sa vào tay giặc, bọn chúng đã đưa đồng chí về Cai Lậy tra tấn, đánh đập dã man, nhưng với sự kiên cường chịu đựng, đồng chí nhất quyết không khai báo. Với âm mưu diệt hết tù chính trị ở Côn Đảo trở về và biết đồng chí là một cán bộ lãnh đạo quan trọng, nên sau hai ngày không khai được gì, thực dân Pháp hèn hạ thủ tiêu đồng chí Phan Văn Khỏe vào một đêm tối trời tại bãi tha ma - Gò Bà Đội Phận ở phía đông chợ Cai Lậy.
Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi và những phẩm chất cách mạng cao quý của đồng chí Phan Văn Khỏe là niềm tự hào của quê hương Tiền Giang, của nhân dân Nam Bộ và nhân dân cả nước; dù ở bất kỳ cương vị, hoàn cảnh khó khăn nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, luôn kiên định, trung thành tuyệt đối lý tưởng giải phóng dân tộc của Đảng, vì một xã hội ấm no, hạnh phúc.
Tác giả bài viết: Anh Tâm
Ý kiến bạn đọc