1/ Giới thiệu chung
Thạnh Tân là xã Nông thôn mới trực thuộc thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách trung tâm thành phố Tây Ninh 15 km về phía bắc. Xã có tổng diện tích tự nhiên 3.886, 28 ha, xã có 4 ấp với 84 tổ dân cư tự quản. Dân số 9.846 nhân khẩu với 2.587 hộ. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính, một số ít hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ tập trung ở các chợ trên địa bàn và số còn lại tham gia vào các hoạt động lao động tự do khác.
Thạnh Tân là địa bàn cửa ngõ phía Bắc của thành phố Tây Ninh với 2 tuyến giao thông huyết mạnh là đường tỉnh ĐT793 và ĐT785 thông tuyến từ thành phố Tây Ninh với huyện Tân Châu và Tân Biên trong tổng số 75 tuyến trên toàn địa bàn xã, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông nêu trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông, vận chuyển hàng hóa và liên thông với các khu vực lân cận.
Về cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo: Trên địa bàn xã có 05 Chùa trong hệ thống Chùa Núi Bà, 01 Chùa Phật Khmer, 01 Đền thờ Quan lớn Trà Vong Huỳnh Công Giản, 01 Điện thờ Phật Mẫu, 01 Thánh thất Cao Đài. Có 4 tôn giáo chính gồm: Phật giáo, Cao đài, Công giáo và Tin Lành. Tín đồ theo đạo Cao đài trên 90% so dân số.
Là xã vùng ven của thành phố Tây Ninh nhưng xã có lợi thế về quần thể Núi Bà Đen và Di tích lịch sử Động kim Quang tọa lạc trên địa bàn, tại đây, hàng năm tiếp hàng triệu lượt khách tham quan, du lịch mang nhiều tiềm năng về kinh tế cho tỉnh Tây Ninh, là một trong những nhân tố quan trọng góp phần cho sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương trong thời gian qua.
2/ Lịch sử hình thành và phát triển
Sau ngày 30-4-1975, miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng. Tỉnh Tây Ninh tổ chức thành 7 huyện và 01 thị xã. Vùng đất Thạnh Tân xưa còn hoan sơ, người dân cư ngụ còn thưa thớt, chỉ có một số ít người dân thuộc các xã như: Ninh Sơn, Ninh Thạnh sáng đến khai hoang để canh tác xong chiều về, lúc bấy giờ, xã Thạnh Tân được gọi là ấp Thạnh Tân (1975).
Năm 1976, xã Thạnh Tân được thành lập, trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Hòa Thành với 05 ấp gồm: ấp Thạnh Trung, ấp Thạnh Đông, ấp Thạnh Lợi, ấp Thạnh Hòa, ấp Thạnh Hiệp.
Năm 1978, xã được cắt một phần đất phía nam để thành lập xã Tân Bình thuộc huyện Hòa Thành. Thực hiện Chỉ thị 364/CT, ngày 6/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã. Tháng 4/1994, xã Thạnh Tân bàn giao cho xã Tân Hưng thuộc huyện Tân Châu 1 ấp Thạnh Hòa và 1 tổ số 5 thuộc ấp Thạnh Lợi; giao một phần của ấp Thạnh Hiệp cho xã Trà Vong và xã Mỏ Công thuộc huyện Tân Biên.
Thực hiện Nghị định 46/2001/NĐ-CP, ngày 10/8/2001 của Chính phủ, Thị xã Tây Ninh được mở rộng địa giới hành chính từ 3 phường, 1 xã lên 5 phường, 5 xã với diện tích tự nhiên: 13.736,6ha (tăng gấp 4 lần Thị xã cũ) và với 117.328 người dân sinh sống (tăng gấp 4 lần thị xã cũ). Thị xã Tây Ninh được huyện Hòa Thành bàn giao quản lý 05 phường, xã gồm: Phường Hiệp Ninh, xã Ninh Thạnh, xã Ninh Sơn, xã Tân Bình và xã Thạnh Tân. Sau lễ bàn giao vào tháng 11/2001, xã Thạnh Tân chính thức trực thuộc thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh.
Ngày 29/12/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 135/2013/NQ-CP về việc thành lập các phường Ninh Sơn, Ninh Thạnh thuộc thị xã Tây Ninh và thành lập thành phố Tây Ninh thuộc tỉnh Tây Ninh. Ngày 14/2/2014, thị xã Tây Ninh tổ chức lễ công bố Quyết định số 135/2013/NQ-CP, xã Thạnh Tân chính thức trực thuộc thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh cho đến nay.
3/ Vị trí địa lý
Xã Thạnh Tân cách trung tâm thành phố Tây Ninh 15 km về phía bắc: Phía Bắc giáp huyện Tân Biên và huyện Tân Châu tỉnh Tây Ninh; Phía Nam giáp xã Ninh Sơn và xã Tân Bình thuộc thành phố Tây Ninh; Phía Đông giáp xã Ninh Thạnh thuộc thành phố Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu; Phía Tây giáp huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh.
Tổng diện tích tự nhiên 3.886,28 ha (Số liệu thống kê đất đai năm 2021) trong đó: Đất núi: 1.713,72 ha, số còn lại là đất ở và sản xuất nông nghiệp.
Xã Thạnh Tân nằm trên vùng đất khá cao, nơi cao nhất (Đỉnh núi Bà Đen) 986m so với mặt nước biển.
Khí hậu Thạnh Tân nóng và ẩm ướt. Nhiệt độ buổi sáng thường vào khoản 270, buổi trưa 320, buổi chiều 300. Trên núi nhiệt độ nhẹ hơn từ 40 đến 60. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (DL). Gió mùa thổi từ Tây Bắc sang Đông Nam. Không có bão tố.
4/ Kinh tế - xã hội
Xã Thạnh Tân phát triển kinh tế dựa vào sản xuất nông nghiệp là chính. Do thiên nhiên ưu đãi, vị trí thuận lợi (gần núi) và thổ nhưỡng phù hợp với với hầu hết các loại cây rau màu ngắn ngày và cây lâu năm nên rất thuận lợi cho Nhân dân địa phương tập trung sản xuất nông nghiệp. Thế mạnh của xã là cây mãng cầu, cao su, mì …và mốt số loại cây ngắn ngày khác.
Dân cư tập trung sinh sống cập các trục đường chính của xã, một số hộ kinh doanh, mua bán nhỏ lẽ tập trung tại 02 khu vực (HTX Chợ Thạnh Đông và Chợ Thạnh Tân). Hệ thống hạ tầng giao thông được nâng cấp thường xuyên, đảm bảo thực hiện tốt việc lưu thông hàng hóa, đi lại của người dân. Hệ thống giáo dục từ Mầm non đến Trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia theo quy định đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trên địa bàn. Trạm y tế, đạt chuẩn quốc gia về y tế, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và châm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân.
Khu du lịch Quốc gia Núi Bà Đen từng bước hình thành và phát triển, hàng năm tiếp hàng triệu lượt khách đến tham quan, mang lại tiềm năng về kinh tế rất lớn cho tỉnh nhà.
Thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/ĐU, năm 2012 của Đảng ủy xã Thạnh Tân về việc xây dựng xã Thạnh Tân thành xã Nông thôn mới. Trãi qua hơn 07 năm, cả hệ thống chính trị và Nhân dân phấn đấu xây dựng, kết quả năm 2019, xã Thạnh Tân được Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định công nhận xã Thạnh Tân đạt chuẩn xã Nông thôn mới, theo đó, diện mạo xã Thạnh Tân từng bước được chuyển biến rỏ rệt thể hiện qua một số nội dung như: Cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp, tình hình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng an ninh được đảm bảo, thu nhập của người dân được tăng lên. Trên cơ sở đó, xã Thạnh Tân từ xã loại 2 được cấp có thẩm quyền quyết định nâng lên xã loại 1 (Quyết định số: 3229/QĐ-UBND, ngày 29/12/2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc điều chỉnh phân loại đơn vị hành chính các xã thuộc thành phố).
4/ Tôn giáo –tín ngưỡng –di tích cấp tỉnh
Tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn xã Thạnh Tân khá phong phú gồm: Cao Đài, Phật, Công Giáo, Tin Lành, cơ bản đáp ứng nhu cầu về tâm linh của người dân trong và ngoài địa phương.
4.1/ Hệ thống Chùa Núi Bà Tây Ninh:
Hệ thống Chùa Núi Bà Tây Ninh (Chùa Phật Bắc Tông) gồm 05 chùa trên phạm vi địa bàn xã Thạnh Tân quản lý gồm Quan Âm tự (Động 3 Cô), Linh Sơn Long Châu tự (Chùa Hang), Linh Sơn Tiên Thạch tự (Chùa Bà), Linh Sơn Hòa Đồng, Long Châu Phước Trung tự, là nơi để khách hành hương từ mọi miền đất nước về cúng viếng.
Hình ảnh đỉnh Núi Bà Đen Tây Ninh
4.2/ Chùa Bô Tumkyryranxay:
Chùa Bô Tumkyryranxay (Chùa Phật Nam Tông) được đồng bào dân tộc Khmer đóng góp xây dựng khá lâu, lúc bấy giờ (sau 1975) chùa được xây dựng khá đơn giản. Năm 2002, chùa được Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh công nhận di tích cấp tỉnh. Năm 2003, chùa được trùng tu, xây dựng lại khang trang, là nơi để đồng bào dân tộc Khmer ấp Thạnh Đông thực hiện các nghi lễ tôn giáo. Đồng thời, hàng năm các ngành có liên qua của địa phương thường xuyên phối hợp để tổ chức một số hoạt động văn hóa của người dân tộc như Tết Chol Chơnam thmây, lễ sen đon ta, dân y Katina, oc om boc…
Hình ảnh chùa Nam Tông Khmer
4.3/ Đền thờ Quan Lớn Trà Vong:
Đền thờ Quan Lớn Trà Vong (Suối Vàng) thuộc ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh dược xây dựng khá lâu, đến năm 1995 do mở rộng lộ giới tỉnh lộ 4 (tức đường trần Phú bây giờ), nhân dân địa phương đã xây dựng ngôi đền mới khang trang: Tường gạch, cột bê tông, mái lợp ngói, kiến trúc theo hình chữ tam. Đây là ngôi đền Quan Lớn Trà Vong lớn nhất hiện nay so với các đền hiện hữu thờ Quan Lớn Trà Vong trên vùng đất Tây Ninh.
Theo tương truyền, Quan Lớn Trà Vong, tên thật là Huỳnh Công Giản, vốn là Quan Tri Phủ của triều đại nhà Nguyễn, là một vị quan có tài, quê ở làng Nhật Tảo, năm 1749 (Kỷ tỵ) Triều đại nhà Nguyễn cử ba anh em nhà họ Huỳnh là: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ, là các quan đại thần vào trấn nhậm vùng đất Tây Ninh. Ba ông cùng với đội binh mã của triều đình thực hiện việc di dân, khai hoang, lập ấp và giữ gìn an ninh ở vùng đất biên cương. Thời gian này hay có giặc loạn lạc từ bên kia biên giới sang quấy phá. Ông Huỳnh Công Giản đã cùng em trai là Huỳnh Công Nghệ lập căn cứ chống giặc, đóng đồn tại Bến Thứ, gần ngọn rạch Sóc Om (xã Hảo Đước, huyện Châu Thành). Ông chiếm cứ một cánh đồng rộng gọi là đồn Trà Vong (xã Thái Bình), bờ thành vô cùng kiên cố. Bấy giờ, những trận đụng độ giữa người Việt và quân giặc diễn ra kéo dài suốt mấy mươi năm với vũ khí rất thô sơ: gươm, đao, giáo mác, cung tên. Một buổi sáng, quân giặc dùng chiến thuật biển người ồ ạt tấn công đồn Trà Vong. Bị tấn công tứ phía nhưng quân ông Huỳnh Công Giản cũng kịp thời phản công mãnh liệt. Tuy nhiên, vì quân địch quá đông, ông đã cho quân liên lạc với quân của Huỳnh Công Nghệ kêu viện binh. Tướng Huỳnh Công Giản tả xung hữu đột dưới vòng vây của kẻ địch. Khi ông đã thấm mệt, nhìn lại thì số quân sĩ hi sinh quá nhiều, trong lúc viện binh chưa đến kịp. Ông vung gươm tử chiến cùng quân giặc đến lúc kiệt sức rồi quay gươm tự tuẩn tiết.
Tưởng nhớ công ơn của 3 anh em nhà họ Huỳnh và các nghĩa binh, nhân dân địa phương lập đền, miếu để thờ ở nhiều nơi và được gọi chung là đền thờ Quan Lớn Trà Vong. Đền thờ quan lớn trên địa bàn xã Thạnh Tân hàng năm tiếp hàng ngàn lượt khách cúng viếng.
Hình ảnh Đền thờ Quan Lớn Trà Vong
4.4/ Họ đạo Cao đài xã Thạnh Tân:
Họ đạo Cao đài xã Thạnh Tân được thành lập vào ngày 30/7/1997, năm 1998 Thánh thất được tiến hành xây dựng, đến 30/4/2008 Điện thờ Phật mẫu được đưa vào sử dụng. tính đồ Cao đài có số lượng lớn nhất so với các tôn giáo khác trên địa bàn xã Thạnh Tân.
Hình ảnh Điện thờ xã Thạnh Tân