Trang bị kiến thức để phòng tránh lừa đảo trên mạng

Thứ hai - 04/11/2024 16:18 31 0

Chiếm quyền sử dụng Facebook, tạo tài khoản ảo, dùng hình nền tài khoản mạng xã hội giả để đăng quảng cáo bán hàng giá rẻ; sử dụng số điện thoại và tài khoản ngân hàng đứng tên người khác để chiếm đoạt tiền đặt cọc của bị hại, giả mạo cơ quan Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thuế... là những hình thức lừa đảo khá phổ biến thời gian qua. Người dân cần trang bị kiến thức để tránh bị lừa đảo trên không gian mạng.

 

Hệ thống cảnh báo an toàn thông tin tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn ghi nhận trong khoảng 300-400 phản ánh của người dùng gửi tới mỗi tuần, chủ yếu vẫn là những trường hợp giả mạo website cơ quan nhà nước, thương hiệu lớn và các ngân hàng, trang thương mại điện tử...

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết tháng 6/2024, đơn vị này ngăn chặn hơn 3.170 website lừa đảo trong 12.818 web/blog vi phạm. Các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Như việc đăng tải thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội về việc thuê, mua tài khoản ngân hàng hoặc tiếp cận với những người lao động có thu nhập thấp, người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc sinh viên các trường cao đẳng, đại học nhờ thuê mở tài khoản ngân hàng. Sau khi mở tài khoản, chủ tài khoản phải bàn giao thông tin đăng nhập Internet banking, sim điện thoại đăng ký tài khoản, thẻ ngân hàng… cho đối tượng. Đối tượng sẽ sử dụng tài khoản ngân hàng này vào các hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác.

Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo giả mạo giả danh công an phường, công an khu vực để lừa đảo qua hình thức xác nhận thông tin định danh điện tử. Thậm chí, lợi dụng cơn bão số 3 (Yagi) gây lũ lụt, sạt lở đất khiến nhiều vùng bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều đối tượng mạo danh cơ quan, đơn vị, tổ chức để lừa đảo kêu gọi từ thiện rồi chiếm đoạt số tiền quyên góp; “thổi phồng” số tiền ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ; đăng thông tin sai sự thật về bão lũ…

Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Lâm Thao (Phú Thọ) đã cảnh báo về các fanpage giả mạo trên Facebook, mạo danh tổ chức để chiếm đoạt tiền do cộng đồng ủng hộ. Một trong nhiều thủ đoạn của tội phạm là dùng AI tạo ra hình ảnh đáng thương để lừa người dùng chuyển tiền từ thiện đến tài khoản của chúng.

Trước tình hình lừa đảo trên không gian mạng diễn ra tinh vi, phức tạp, mới đây Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chính thức phát hành phần mềm phòng chống lừa đảo mang tên “nTrust”. Đây là ứng dụng hoàn toàn miễn phí, sử dụng cho điện thoại thông minh giúp phát hiện các dấu hiệu lừa đảo thông qua kiểm tra số điện thoại, số tài khoản, đường dẫn trang web (link) và mã QR. Cơ sở dữ liệu phòng, chống lừa đảo “nTrust” đã có hơn 1 triệu bản ghi, được xác minh, tổng hợp từ nguồn dữ liệu của Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các tổ chức an ninh mạng.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai nhiều hoạt động theo dõi, giám sát trên không gian mạng, qua đó phát hiện sớm các nguy cơ mất an toàn, dấu hiệu tấn công mạng, kịp thời xử lý hành vi đe dọa an ninh trên không gian mạng. Cục An toàn thông tin đề nghị sở thông tin và truyền thông các tỉnh, thành phố tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng tránh lừa đảo trực tuyến phổ biến hiện nay.

Người dân cần tuyệt đối không công khai thông tin cá nhân (ngày, tháng, năm sinh, số căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng…) trên mạng xã hội; thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và bảo mật tuyệt đối thông tin các tài khoản trên, gồm: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực (OTP), số thẻ tín dụng… Khi nhận được tin nhắn hỏi vay tiền qua mạng xã hội, người nhận phải trực tiếp gọi điện thoại cho người vay để xác nhận kỹ thông tin trước khi chuyển tiền.

Theo chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn trên mạng xã hội, những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản hoặc quà có giá trị lớn; không truy cập các đường link trong tin nhắn hay email không rõ nguồn gốc; không làm theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng; trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất khi nhận được cuộc gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, nhất là lực lượng công an để thông báo, đe dọa mình có liên quan vụ án, vụ việc.

Mỗi người dân cần quản lý đăng ký tài khoản ngân hàng, không mở, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác, khi phát hiện đối tượng có hành vi mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng, phải báo ngay cơ quan công an nơi gần nhất; không nghe và làm theo những lời hướng dẫn, giới thiệu, dụ dỗ làm việc nhẹ nhàng, dễ kiếm tiền…; tuyệt đối không chuyển tiền vào tài khoản do chúng chỉ định; cảnh giác khi nhận được thông báo nhận thưởng qua mạng, không cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền để nhận thưởng; không cài đặt trên điện thoại, máy tính các ứng dụng, phần mềm chưa được xác thực. Nếu phát hiện SIM điện thoại bị vô hiệu hóa, cần liên hệ ngay với nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác minh.

Ninh Cơ 

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết tháng 6/2024, đơn vị này ngăn chặn hơn 3.170 website lừa đảo trong 12.818 web/blog vi phạm. Các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tác giả bài viết: Văn Phát (tổng hợp)

Nguồn tin: nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập12
  • Hôm nay707
  • Tháng hiện tại22,574
  • Tổng lượt truy cập384,483
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây