Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer, diễn ra trong ba ngày từ 14 đến 16/4 Dương lịch. "Chôl" nghĩa là "vào" và "Chnăm Thmay" là "năm mới’. Người xưa cho rằng đây là thời điểm khởi đầu cho một năm mới bởi trời đất giao hòa, mùa nắng chuyển sang mùa mưa, cây cối đâm chồi nảy lộc.
Du khách trong và ngoài Tỉnh vào dịp này có thể cảm nhận sự náo nhiệt, vui tươi đón Tết tại hầu hết các điểm chùa Khmer, gồm các chùa nổi tiếng tại Tỉnh Tây Ninh. Trong đó có chùa Botum Kirirangsay (Khedol) ở ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh.
Ông Cao Văn Ươn, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Khmer, cho biết trước Tết Chôl Chnăm Thmây vài ngày, người dân sống tại phum sóc (khu dân cư) quanh chùa trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ; còn các vị chư tăng thì dựng, trang trí sân khấu từ các vật liệu địa phương, chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ.
Các vị chư tăng thì dựng, trang trí sân khấu từ các vật liệu địa phương, chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ.
Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer tại Việt Nam. Năm nay, đồng bào Khmer tổ chức Tết cổ truyền sau 2 năm tạm ngưng vì Covid-19. Đêm giao thừa ngày 13/4, người dân đến chùa nghe các nhà sư tụng kinh, ban phước lành trong thời khắc chuyển sang năm mới. Thanh niên, thiếu nữ Khmer rực rỡ trong trang phục truyền thống thu hút ánh nhìn của du khách.
Các hoạt động mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Khmer
Ngày Tết thứ nhất 14/4 gọi là Chôl Sangkran Thmây. Tại nhà, mọi người chọn giờ tốt nhất trong ngày, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo trang trọng và lịch sự, chuẩn bị bàn thờ thiên. Họ xếp hoa, trái cây và nhang đèn sẵn sàng để tiễn vị thần Têvêđa cũ, đón thần mới đến cai quản phum, sóc (cụm dân cư của người Khmer).
Tại chùa diễn ra nghi lễ rước Đại lịch (Maha Sangkran). Phật tử đi quanh ngôi chánh điện của chùa ba vòng, để đánh dấu rước lịch năm mới đến với đồng bào Khmer. Lễ rước đại lịch mang ý nghĩa tương tự lễ đón giao thừa dịp Tết Nguyên đán, nhằm tiễn những điều không may của năm cũ, hy vọng năm mới tốt lành.
Ngày Tết thứ hai 15/4 gọi là Wonbơf. Sáng sớm mọi người làm lễ dâng cơm đến các nhà sư, đến chiều làm lễ "Đắp núi cát" (Puôn phnôm khsach) trong khuôn viên chùa. Phật tử thắp hương để cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu phúc theo ước nguyện của mình.
Sư trụ trì chùa chùa Botum Kirirangsay (Khedol) ở ấp Thạnh Đông - Kiên Sô Phát
Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh, Thành phố, chính quyền địa phương chúc quý sư sãi, người có uy tín và đồng bào dân tộc Khmer đón một cái Tết thật vui vẻ, hạnh phúc và trao tặng nhiều phần quà chúc mừng Tết Chol Chnam Thmay của đồng bào dân tộc Khmer nơi đây.
Hiện nay, đồng bào dân tộc Khmer ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân có 227 hộ với 962 nhân khẩu, người dân chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, kinh doanh nhỏ lẻ và lao động làm thuê. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, bà con dân tộc nơi đây được giúp đỡ, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, vay vốn sản xuất chăn nuôi, xây dựng công trình đường giao thông nông thôn, trường học, vệ sinh nước sạch, góp phần giúp cho đời sống bà con dân tộc ngày càng được nâng cao, phát triển.
Tác giả bài viết: Nam Nguyễn
Ý kiến bạn đọc