Quá trình triển khai Luật Cư trú năm 2020 bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, nhận được sự hài lòng của người dân. Tuy nhiên đâu đó vẫn còn tình trạng lạm dụng việc yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận cư trú gây phiền hà. Vậy chiểu theo quy định hiện nay, những thủ tục hành chính nào bắt buộc phải xin giấy xác nhận cư trú?
Tuy nhiên, để thực hiện tinh thần, chủ trương số hóa toàn bộ hệ thống dân cư thì nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành, song một thực tế tồn tại là nhiều cơ quan hành chính nhà nước chứ chưa nói tới các cơ quan, tổ chức tư nhân… còn chưa trang bị được các trang thiết bị quét thông tin căn cước công dân để lấy dữ liệu thực hiện giao dịch. Đây là giai đoạn mới bắt đầu đồng bộ hóa từ hệ thống dữ liệu dân cư cho đến trang bị thiết bị quét dữ liệu căn cước công dân. Chính vì vậy, còn nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện, chưa thể chuyên nghiệp ngay được, mà cần có một thời gian để các cơ quan hành chính, cơ quan, tổ chức liên quan có sự chuẩn bị và hoàn thiện.
Bộ Công an hiện đã triển khai 07 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế hộ khẩu giấy khi làm các thủ tục hành chính từ 01/01/2023. (Ảnh minh họa)
Hiện tại, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Quy định này đã bãi bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: Việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…
Căn cứ khoản 4 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP có quy định khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Theo đó, các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú gồm: Thẻ Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Giấy xác nhận thông tin về cư trú, Giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Bộ Công an đã triển khai 07 phương thức sử dụng thông tin công dân thay thế hộ khẩu giấy khi làm các thủ tục hành chính từ 01/01/2023 gồm:
Thứ nhất, là sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip. Đây là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú. Khi công dân xuất trình thẻ, cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên căn cước công dân.
Thứ hai, sử dụng thiết bị đọc mã QR trên thẻ căn cước công dân có gắn chip.
Thứ ba, sử dụng thiết bị đọc chip trên thẻ.
Thứ tư, tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Thứ năm, sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.
Thứ sáu, sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú.
Thứ bảy, sử dụng thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Hiện nay chỉ có hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở, khi làm thủ tục này, theo quy định cũ thì người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, nhưng sổ hộ khẩu giấy đã hết giá trị nhưng những cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực, cơ quan đăng ký đất đai vẫn chưa đồng bộ hệ thống, chưa có thiết bị quét mã căn cước công dân nên tạm thời người dân khi thực hiện hoạt động chuyển nhượng đất đai, thì “tạm thời” vẫn phải xin xác nhận nơi cư trú để hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định pháp luật về chuyển nhượng nhà đất. Vì vậy, nếu trong một giao dịch chuyển nhượng nhà đất nào đó mà người dân vẫn bị yêu cầu nộp Giấy xác nhận nơi cư trú thì tạm thời người dân nên thông cảm và chấp hành quy định này để thủ tục hành chính được hoàn thiện đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, Thông tư số 09/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai quy định, đối với trường hợp nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp giấy chứng nhận có yêu cầu thủ tục bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy chứng minh quân đội, hoặc thẻ căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ khác chứng minh nhân thân, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Không yêu cầu người nộp hồ sơ phải nộp các giấy tờ này để chứng minh nhân thân trong trường hợp dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực đất đai)./.
Tác giả bài viết: Nam Nguyễn(Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc