Tập tục thờ cúng Quan lớn Trà Vong đã có từ rất lâu đời nên nó gắn bó với đời sống cũng như trở thành hình thức tín ngưỡng dân gian của người dân Tây Ninh nói riêng và người dân ở xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh nói chung.
Nằm ở phía tây nam của vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh là cửa ngõ giao lưu quan trọng giữa Việt Nam và Campuchia. Vùng đất này không chỉ hấp dẫn các tín đồ du lịch bởi vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, mộc mạc của thiên nhiên mà còn nổi tiếng với lịch sử văn hóa độc đáo được bồi tụ theo năm tháng. Được mệnh danh là vùng đất Thánh nên chẳng có gì lạ khi các lễ hội Tây Ninh luôn có sức hấp dẫn lớn với nhiều người, đặc biệt là đối với các gia đình, các nhóm đam mê loại hình du lịch tâm linh.
Cũng như Lễ Vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu, Hội Xuân Núi Bà Đen Tây Ninh, Hội Yến Diêu Trì Cung..vv.. Lễ giỗ Quan lớn Trà Vong – Suối Vàng xã Thạnh Tân cũng là một dịp cực kỳ quan trọng và thể hiện đậm nét văn hóa của người dân nơi đây. Tập tục thờ cúng Quan lớn Trà Vong đã có từ rất lâu đời nên nó gắn bó với đời sống cũng như trở thành hình thức tín ngưỡng dân gian của người dân Tây Ninh. May mắn rằng, hiện nét đẹp văn hóa này vẫn cònđược người địa phương gìn giữ và tổ chức hằng năm. Cũng chính nhờ vào Lễ giỗ Quan lớn Trà Vong mà nơi này thu hút đông đảo các tín đồ tôn giáo khắp tứ phương về đây tụ họp.
Đền thờ Quan Lớn Trà Vong – Huỳnh Công Giản tọa lạc tại ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, Thành phố Tây
Ninh
Tập tục thờ cúng Quan Lớn Trà Vong là nghi thức chiêm bái ba anh em: ông Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng, Huỳnh Công Nghệ. Cùng với tập tục đó là Lễ giỗ Quan lớn Trà Vong cũng là một nét tín ngưỡng dân gian đặc biệt mà chỉ có vùng đất Thánh này sở hữu. Ý nghĩa của ngày giỗ này chính là để gửi lòng tri ân, biết ơn của nhân dân Tây Ninh đối với các anh hùng liệt sĩ đã có công bảo vệ và xây dựng đất nước; tưởng nhớ việc ông Quan lớn Trà Vong khẩn hoang lập ấp, giữ gìn bờ cõi và biên cương của nước nhà, người dân đã lập đình miếu, đền thờ để ngày đêm nhang khói.
Nghi thức rước sắc thần
Đền thờ Quan Lớn Trà Vong (Suối Vàng) cách trung tâm thành phố Tây Ninh khoảng 8km, vì vậy du khách có thể dễ dàng di chuyển tới đây tham quan. Tuy nhiên, trước hết cần tới được Tây Ninh bằng xe khách hoặc xe máy tùy theo địa điểm xuất phát.
Từ trung tâm thành phố Tây Ninh thuận tiện nhất bạn đi theo tuyến đường Trần Phú và tỉnh lộ 785/ĐT785 khoảng 12 phút là tới được đến Quan lớn. Hoặc có thể đi qua Bời Lời và ĐT784 khoảng 11km sẽ tới đền thờ Quan lớn Trà Vong Tây Ninh. Trên đường đi bạn có thể hỏi người dân họ sẽ chỉ đường chi tiết.
Cách di chuyển tới đền thờ Quan lớn Trà Vong
Đền thờ Quan Lớn Trà Vong (Suối Vàng) thuộc ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh dược xây dựng khá lâu, đến năm 1995 do mở rộng lộ giới tỉnh lộ 4 (tức đường trần Phú bây giờ), nhân dân địa phương đã xây dựng ngôi đền mới khang trang: Tường gạch, cột bê tông, mái lợp ngói, kiến trúc theo hình chữ tam. Đây là ngôi đền Quan Lớn Trà Vong lớn nhất hiện nay so với các đền hiện hữu thờ Quan Lớn Trà Vong trên vùng đất Tây Ninh.
“ Theo tương truyền, Quan Lớn Trà Vong, tên thật là Huỳnh Công Giản, vốn là Quan Tri Phủ của triều đại nhà Nguyễn, là một vị quan có tài, quê ở làng Nhật Tảo, năm 1749 (Kỷ tỵ) Triều đại nhà Nguyễn cử ba anh em nhà họ Huỳnh là: Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ, là các quan đại thần vào trấn nhậm vùng đất Tây Ninh. Ba ông cùng với đội binh mã của triều đình thực hiện việc di dân, khai hoang, lập ấp và giữ gìn an ninh ở vùng đất biên cương. Thời gian này hay có giặc loạn lạc từ bên kia biên giới sang quấy phá. Ông Huỳnh Công Giản đã cùng em trai là Huỳnh Công Nghệ lập căn cứ chống giặc, đóng đồn tại Bến Thứ, gần ngọn rạch Sóc Om (xã Hảo Đước, huyện Châu Thành). Ông chiếm cứ một cánh đồng rộng gọi là đồn Trà Vong (xã Thái Bình), bờ thành vô cùng kiên cố. Bấy giờ, những trận đụng độ giữa người Việt và quân giặc diễn ra kéo dài suốt mấy mươi năm với vũ khí rất thô sơ: gươm, đao, giáo mác, cung tên. Một buổi sáng, quân giặc dùng chiến thuật biển người ồ ạt tấn công đồn Trà Vong. Bị tấn công tứ phía nhưng quân ông Huỳnh Công Giản cũng kịp thời phản công mãnh liệt. Tuy nhiên, vì quân địch quá đông, ông đã cho quân liên lạc với quân của Huỳnh Công Nghệ kêu viện binh. Tướng Huỳnh Công Giản tả xung hữu đột dưới vòng vây của kẻ địch. Khi ông đã thấm mệt, nhìn lại thì số quân sĩ hi sinh quá nhiều, trong lúc viện binh chưa đến kịp. Ông vung gươm tử chiến cùng quân giặc đến lúc kiệt sức rồi quay gươm tự tuẩn tiết”.
Tưởng nhớ công ơn của 3 anh em nhà họ Huỳnh và các nghĩa binh, nhân dân địa phương lập đền, miếu để thờ ở nhiều nơi và được gọi chung là đền thờ Quan Lớn Trà Vong. Đền thờ quan lớn trên địa bàn xã Thạnh Tân hàng năm tiếp hàng ngàn lượt khách cúng viếng.
Nơi chôn cất Quán lớn Trà Vong - Ông Huỳnh Công Giản tại ấp Trà Hiệp xã Trà Vong, Tân Biên. Nhưng đền thờ của ông thì được lập tại nhiều nơi trên đất Tây Ninh để tiện cho nhân dân đến cúng kiếng. Đây còn là nơi diễn ra 1 trong 7 lễ hội Tây Ninh quan trọng nhất.
Mộ Quan lớn Trà Vong - Ông Huỳnh Công Giản tại ấp Trà Hiệp xã Trà Vong, Tân Biên.
* Thời gian và địa điểm tổ chức Lễ giỗ Quan lớn Trà Vong
Thời gian: Kéo dài từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch hằng năm.
Thời gian diễn ra Lễ giỗ Quan lớn Trà Vong dài như vậy là vì có nhiều nghi thức phức tạp và công phu. Cụ thể, từ ngày 15 - 16/3 âm lịch, buổi lễ tiến hành cúng tế tưởng nhớ công thần và nghi thức cầu an cho người dân. Ngày 20 - 21/3 âm lịch, giỗ được di chuyển đến đền thờ Quan lớn Trà Vong Suối Vàng (thuộc ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh) để tổ chức.
Đến ngày 5 - 6/3 Âm lịch thì giỗ được tổ chức tại mộ và đền thờ của ông Huỳnh Công Thắng (tại xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu). Riêng ông Huỳnh Công Nghệ do khi xưa nhân dân chôn giữa rừng nên bây giờ đã bị lạc mồ mả. Đền thờ ông hiện tại bờ rạch Vàm Bảo, huyện Bến Cầu và tổ chức ngày lễ giỗ vào ngày 16-17/1 Âm lịch.
Về phần lễ:
Mở đầu là nghi thức rước sắc Thần từ mộ Quán lớn Trà Vong - Ông Huỳnh Công Giản tại ấp Trà Hiệp xã Trà Vong, Tân Biên về Đền thờ Quan Lớn Trà Vong (Suối Vàng) thuộc ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh. Tiếp đến người dân, các chủ tế sẽ thực hiện nghi lễ bày tỏ lòng tri ân tiền nhân đã có công mở cõi, giữ đất.
Đoàn rước sắc qua cầu suối Trà Vong
Đoàn rước sắc thần tiến về Đền thờ Quan Lớn Trà Vong - Suối Vàng xã Thạnh Tân sau khi đã nhận phong ấn
Nhân dịp giỗ này, đại diện lãnh đạo Thành ủy Tây Ninh, Đảng ủy – HĐND – UBND – UB.MTTQ VN và các tổ chức chính trị - xã hội xã Thạnh Tân cũng tham dự để dâng hoa tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trong các cuộc kháng chiến chống lại bọn xâm lược, phản quốc.
Các đồng chí lãnh đạo Thành ủy Tây Ninh, Đảng ủy – HĐND – UBND – UB.MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham dự viếng Lễ giỗ
Ông Nguyễn Văn Nam – Thành ủy viên – Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Tân khai mỏ
Ông Nguyễn Chí Thái – Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân khai thanh la
Ông Ngô Thành Lợi – ĐUV – Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Tân nổi 3 hồi trống
Về phần hội:
Các chủ tế, lễ sinh, ban cổ nhạc tham dự tấu các giai điệu dân tộc khi hành lễ để tăng thêm tính nhộn nhịp và đúng chuẩn nghi thức tín ngưỡng. Đặc biệt, đối với Lễ giỗ của ông Huỳnh Công Giản, ban tổ chức còn mời các đoàn hát bội biểu diễn cho những người tham dự xem. Nhiều nơi khác còn tái hiện lại các hình thức sinh hoạt văn hóa mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc để truyền bá thêm về lối sống thú vị của người dân nơi đây.
Ngoài lăng Quan lớn Trà Vong ở ấp 3, xã Trà Vong, huyện Tân Biên, Tây Ninh; đền thờ chính ở xã Mỏ Công và đền thờ quan lớn Trà Vong thuộc suối Vàng, ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tân, TPTN người dân còn lập miếu, dinh, đình, đền phụng thờ ông, có những nơi mà có dấu chân của ông đi qua: Miếu Miếu quan lớn Trà Vong thuộc Thái Vĩnh Đông nay là khu phố 2, phường 1, Thành phố Tây Ninh; Miếu quan lớn Trà Vong ở Cầy Xiêng, xã Thái Bình, Châu Thành, Tây Ninh.
Lễ giỗ Quan lớn Trà Vong là niềm tự hào cũng là nơi gửi gắm các mong ước, làm đẹp cho giá trị tinh thần của người dân Tây Ninh.
Một số hình ảnh Lễ giỗ Quan Lớn Trà Vong - Huỳnh Công Giản - Suối vàng xã Thạnh Tân.
Link video Lễ rước sắc thần: https://www.youtube.com/watch?v=-NSxlJ_BuWM
Tác giả bài viết: Nam Nguyễn
Ý kiến bạn đọc