Thí điểm ưu tiên tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến toàn trình

Thứ bảy - 02/11/2024 08:57 61 0

Ngày 1.11, tại phòng họp trực tuyến UBND tỉnh Tây Ninh, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số (Ban Chỉ đạo) tỉnh tổ chức họp bằng hình thức trực tuyến kết nối UBND, Ban Chỉ đạo 9 huyện, thành phố, thị xã; các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh.

Toàn cảnh buổi họp

Ông Nguyễn Thanh Ngọc- Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì buổi họp. Ông Nguyễn Hồng Thanh- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh điều hành buổi họp; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan; chính quyền địa phương tham dự.

Nhiều kết quả khả quan

Báo cáo kết quả thực hiện trong 9 tháng đầu năm, UBND tỉnh được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 24 nhiệm vụ, đang thực hiện trong hạn 12 nhiệm vụ, đã hoàn thành đúng hạn 9 nhiệm vụ, đang chờ Văn phòng chính phủ xác nhận 3 nhiệm vụ, quá hạn 0 nhiệm vụ.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, Ban Chỉ đạo tỉnh rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về CCHC; đồng thời tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh. Đến nay, có 50 TTHC, nhóm TTHC được đưa vào rà soát (trong đó, cấp tỉnh 31 TTHC, cấp huyện 19 nhóm TTHC, cấp xã 17 TTHC). Các Sở: Công Thương; Tư pháp; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Khoa học và Công nghệ; Y tế; Kế hoạch và Đầu tư; Nội vụ; Tài nguyên và Môi trường... hoàn thành phương án đơn giản hoá TTHC và tái cấu trúc quy trình dịch vụ công trực tuyến giải quyết TTHC. 44 thủ tục TTHC nội bộ thuộc 17 lĩnh vực bảo đảm cắt giảm ít nhất 30% TTHC, 30% chi phí tuân thủ TTHC.

Ông Nguyễn Tấn Đức- Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo kết quả thực hiện CCHC và chuyển đổi số 9 tháng đầu năm 2024 và phương hướng 3 tháng cuối năm.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 1.725 TTHC, trong đó có 1.359 TTHC cấp tỉnh, 238 TTHC cấp huyện và 128 TTHC cấp xã.

Về kết quả giải quyết TTHC, từ ngày 15.6 đến hết ngày 14.9, tỉnh Tây Ninh tiếp nhận 125.858 hồ sơ TTHC. Trong đó, có 117.432 hồ sơ trước hạn, đúng hạn (đạt 98,49%); 1.802 hồ sơ hồ sơ quá hạn (1,51%) và 6.624 hồ sơ đang giải quyết. Tỉnh đã tiếp nhận 182 phản ánh khiếu nại, chủ yếu liên quan đến công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC của các ngành: Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội; Tư pháp, căn cước Công dân, hộ chiếu, đăng ký xe máy…), đã xử lý dứt điểm và đăng tải công khai trên cổng dịch vụ công quốc gia 131 phản ánh khiếu nại, đang xử lý 51 phản ánh khiếu nại của người dân.

Ngày 4.3.2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định 408 công bố Danh mục TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình và Danh mục TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến một phần trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Theo đó, có 1.622 dịch vụ công trực tuyến (gồm 397 dịch vụ công trực tuyến một phần và 843 dịch vụ công trực tuyến toàn trình); 1.240 dịch vụ công trực tuyến được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Tại cuộc họp, lãnh đạo sở, ngành và chính quyền địa phương đã tập trung phân tích đánh giá những mặt còn tồn tại, hạn chế. Đề xuất giải pháp khắc phục những chỉ số còn thấp, giảm bậc theo chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, như: khó khăn trong thực hiện các chỉ số, do chỉ tiêu đề ra quá cao; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến còn thấp, đặc biệt với lĩnh vực tài nguyên và môi trường; một số lĩnh vực chưa bảo đảm quy trình toàn trình; tỷ lệ thanh toán phí trực tuyến chưa đạt so với chỉ tiêu...

Rà soát, đánh giá, đề xuất các giải pháp cụ thể

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đánh giá, bên cạnh những nỗ lực và kết quả triển khai cải cách hành chính, hoàn thành một số chỉ tiêu về chuyển đổi số của các sở, ngành và địa phương, nhưng vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt, như tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến, tỷ lệ thanh toán trực tuyến, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Một số nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến việc chưa hoàn thành các chỉ tiêu, như: sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền, hướng dẫn chưa hiệu quả; hệ thống kết nối, phần mềm chưa thân thiện gây khó khăn cho người dân khi sử dụng...

Ông Nguyễn Nam Hưng- Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện TTHC của ngành.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị lãnh đạo sở, ngành, người đứng đầu chính quyền địa phương tiến hành rà soát các nội dung nào đạt, chưa đạt, làm rõ nguyên nhân và có chỉ đạo quyết liệt, đề xuất hướng xử lý, khắc phục kịp thời. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tập trung rà soát, đánh giá cụ thể từng khâu, bộ phận, con người để có giải pháp khắc phục, củng cố lại bộ phận nhân sự, bố trí người có năng lực, trình độ, đạo đức, kỹ năng trong tiếp nhận, xử lý và giải quyết TTHC, phát hiện và xử lý nghiêm CBCC có thái độ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. “Đây là cốt lõi để có kết quả tốt nhất”- ông nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị các đơn vị, sở ban, ngành cập nhật lại, công khai các TTHC để cá nhân biết khi đến làm TTHC. “Những gì cũ, lạc hậu thì hãy bỏ đi. Phải cập nhật kịp thời, công khai, minh bạch. Mở hộp thư, đường dây nóng, đặt ngay nơi dễ thấy để người dân có thể gọi, gửi phản ánh dù đó là ngoài giờ làm việc. Tuy nhiên, phải có người tiếp nhận thông tin xuyên suốt, không được ngắt quãng, phải bảo đảm thông tin tiếp nhận mang tính cầu thị. Không để xảy ra tình trạng né tránh phúc đáp trong trả lời kiến nghị”- người đứng đầu chính quyền tỉnh yêu cầu.

Chỉ ra các hạn chế, nguyên nhân khách quan và chủ quan đối với các chỉ tiêu chưa hoàn thành, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị lãnh đạo các đơn vị, địa phương thành lập tổ kiểm tra công vụ kiểm tra định kỳ hằng tháng, quý, đột xuất, phát hiện những tồn tại, hạn chế để xử lý, chấn chỉnh kịp thời. Trong đó, Sở Nội vụ chủ trì, theo dõi đôn đốc, tham mưu kiện toàn tổ công tác kiểm tra công vụ đối với các sở, ngành, địa phương.

Về công tác chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, nâng cấp phần mềm, cải thiện giao diện người dùng thân thiện, đơn giản, tiện ích. Đẩy mạnh số hoá, ứng dụng công nghệ trong giải quyết TTHC, thanh toán trực tuyến. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Rà soát, đơn giản hoá các TTHC, đặc biệt trong lĩnh vực thuế, tài nguyên môi trường, đầu tư...

Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu chỉ đạo tại buổi họp.

Chủ tịch Nguyễn Thanh Ngọc đề nghị các đơn vị, địa phương ưu tiên giải quyết TTHC trực tuyến đối với những bộ thủ tục đã đủ điều kiện. Đối với những bộ thủ tục chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện thì triển khai thông báo thực hiện thí điểm tiếp nhận TTHC trực tuyến, thời gian bắt đầu từ ngày 1.12.2024 đến quý I năm 2025. “Thí điểm một thời gian đến nhận diện, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc như thế nào? ở đâu? Do cơ quan nào? Ai bị khó? Để từ đó tìm ra điểm nghẽn và có đề xuất, giải pháp cụ thể. Không thể nói chung chung”- Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Ông đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được giao và đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ cải cách hành chính, chuyển đổi số tại các sở, ngành và địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp; tiếp tục phát huy, phát triển các tổ công nghệ số cộng đồng...; đồng thời báo cáo tình hình thực hiện cải cách hành chính, chuyển đổi số trước ngày 20.11 đến UBND tỉnh.

Tâm Giang

 

Tác giả bài viết: Văn Phát (tổng hợp)

Nguồn tin: baotayninh.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập93
  • Hôm nay811
  • Tháng hiện tại22,678
  • Tổng lượt truy cập384,587
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây