Vai trò người đứng đầu trong cải cách thủ tục hành chính

Thứ năm - 31/10/2024 17:01 34 0

Vừa qua, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 434/TB-VPCP thông báo kết luận Hội nghị chuyên đề về “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến” của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

 

Trong kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Cải cách thủ tục hành chính (TTHC) vẫn còn chậm, thủ tục còn rườm rà; chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa chuyển biến rõ nét; hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia còn nhiều bất cập… Công tác cắt giảm và thực hiện TTHC nội bộ trên môi trường điện tử chưa được quan tâm, chú trọng.

Ðể khắc phục những bất cập nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu các bài học kinh nghiệm, nhất là phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc dành thời gian, công sức quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức thực hiện, giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, kịp thời biểu dương, khen thưởng và xử lý những vi phạm, khuyết điểm theo đúng quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước.

Theo đánh giá của người dân và doanh nghiệp, chỉ đạo nêu trên được coi là một trong những vấn đề cơ bản quyết định chất lượng, hiệu quả công tác cải cách TTHC, bởi thực tế hiện nay, hàng loạt bất cập, hạn chế, vi phạm trong công tác này đều có trách nhiệm của người đứng đầu các cấp.

Ngày 17/10, Thanh tra Chính phủ ban hành các thông báo kết luận về trách nhiệm thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai và các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải.

Thanh tra Chính phủ thẳng thắn nêu rõ, Ủy ban nhân dân tỉnh Ðồng Nai chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thuộc tỉnh thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cũng như triển khai thực hiện nghiêm các kế hoạch cải cách TTHC, kiểm soát TTHC của Trung ương và của tỉnh; chưa kịp thời rà soát, cập nhật, áp dụng văn bản của bộ chuyên ngành trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC của tỉnh. Trách nhiệm của một số thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh và thủ trưởng cơ quan, tổ chức trong giải quyết một số vụ việc chưa cao, nhất là trong việc cho ý kiến còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm dẫn đến tình trạng hồ sơ giải quyết quá hạn…

Ðối với Bộ Giao thông vận tải, lãnh đạo bộ và các đơn vị trực thuộc chưa chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện các quy định để giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện kế hoạch cải cách hành chính, kiểm soát TTHC, rà soát đơn giản hóa TTHC, giải quyết TTHC chưa bảo đảm yêu cầu về tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thiếu quyết liệt đối với công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền; chậm triển khai thực hiện nghị quyết của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC; chậm trình Thủ tướng phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nội bộ thuộc lĩnh vực trọng tâm ưu tiên; chậm công bố danh mục TTHC theo quy định đối với lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường và tài nguyên nước, biển và hải đảo; chưa kịp thời rà soát, kiến nghị Chính phủ hoặc theo thẩm quyền sửa đổi, bổ sung thành phần hồ sơ một số TTHC cho phù hợp…

Kiên quyết cải cách TTHC, cắt giảm TTHC, nhất là TTHC nội bộ và tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công là một nội dung quan trọng, cấp thiết khi đất nước bước vào cuộc cách mạng chuyển đổi số hiện nay. Vai trò của người đứng đầu các cấp lúc này phải được phát huy cao nhất với nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện.

Họ cần chủ động, tích cực vào cuộc, nêu cao tinh thần trách nhiệm vì cái chung để tập trung rà soát, phát hiện, kịp thời sửa đổi, bổ sung những bất cập, mâu thuẫn trong hệ thống các quy định, văn bản quy phạm pháp luật và các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, tinh thần là cái gì thực tiễn đặt ra đòi hỏi, yêu cầu đã chín, đã rõ thì phải sửa đổi, bổ sung, thể chế hóa thành quy định, tạo hành lang pháp lý cho tổ chức thực hiện.

Kiên quyết loại bỏ lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, không ôm đồm nhiệm vụ trong thực hiện TTHC theo hướng cấp nào làm tốt nhất thì giao; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở dữ liệu quốc gia bảo đảm thông suốt, nâng cao tỷ lệ người sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ðối với cấp cơ sở gần dân, sát dân nhất, cần thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề trách nhiệm về thực hiện công vụ trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công, qua đó kịp thời phát hiện chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm.

Cần xây dựng tiêu chí đánh giá tín nhiệm, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương hằng năm và trong nhiệm kỳ; kịp thời xử lý trách nhiệm hoặc thay thế cán bộ còn để cơ quan, đơn vị do mình quản lý tồn tại những TTHC rườm rà, lạc hậu, thiếu cập nhật, cản trở phát triển hoặc phải qua nhiều khâu, nhiều “cửa”, mất nhiều thời gian, công sức, tiền của của người dân và doanh nghiệp.

VĨNH KHANG 

Tác giả bài viết: Văn Phát (tổng hợp)

Nguồn tin: nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập45
  • Hôm nay1,252
  • Tháng hiện tại23,119
  • Tổng lượt truy cập385,028
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây