Di tích Đình Gia Lộc (Thị xã Trảng Bàng - Tây Ninh)

Thứ sáu - 03/01/2025 15:47 22 0

Đình Gia Lộc được xây dựng trên một gò đất cao với khuôn viên rộng 7200m2 tọa lạc tại khu phố Lộc Thành, Thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Cách đây trên 300 năm, những người dân Việt đầu tiên đã tiến về phương Nam, khai phá đất đai ở lưu vực sông Vàm Cỏ Đông, lập nên những khu dân cư mới. Khu Bình Tịnh – Phước Lộc là khu đất đầu tiên của Tây Ninh được khai phá và làng Bình Tịnh, xã An Tịnh, làng Gia Lộc, thị trấn Trảng Bàng, huyện Trảng Bàng là 2 làng cổ nhất của Tây Ninh.

Trong tiến trình khai hoang, lập ấp ở Trảng Bàng, ông cả Đặng Văn Trước là người có công lớn. Để ghi nhớ ơn ông, nhân dân trong làng đã xây đền thờ ông, rồi tôn ông làm Thành hoàng làng, thờ tại đình Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng. Hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội tại đình, hay còn gọi là lễ cúng đình, lễ Kỳ Yên, từ ngày 14 đến 16 tháng 3 (Âm lịch), để cầu nguyện cho mưa thuận gió hoà, một năm an lành, mùa màng bội thu, cũng là để kỷ niệm ngày ngày mất của ông.

Theo các bậc cao niên, từ năm 1926, sau khi đình được trùng tu, lễ kỳ yên ở đình Gia Lộc đã được tổ chức liên tục cho đến ngày nay, trở thành nề nếp sinh hoạt tín ngưỡng dân gian của người dân đất Trảng. 

Lễ hội được tổ chức tại đền Ông cả Đặng Văn Trước và đình Gia Lộc. Vào 6 giờ sáng ngày 14 tháng 3, dân làng tiến hành làm lễ thỉnh sắc thần từ đền Ông cả về đình Gia Lộc. Sau khi Trưởng ban nghi lễ niệm hương xin thỉnh hàm ấn, Chánh lễ lấy sắc thần được bọc bằng vải hay lụa đỏ đựng trong một chiếc ống thiếc có nắp đậy, trải sắc ra, bọc cuốn lại bằng khăn điều mới, rồi đặt lên kiệu.

Kiệu trang hoàng lộng lẫy, sơn son thếp vàng, do 4 lính thú khiêng. Đi theo kiệu có 2 Đào thài, 2 Trò lễ, dàn nhạc, quân hầu cầm 16 binh khí, tàn, lọng. Việc thỉnh sắc thần thể hiện lòng tôn kính, niềm tự hào của dân làng đối với Thành hoàng làng. Đoàn người tham gia lễ thỉnh sắc thần kéo dài hàng cây số. Dẫn đầu là lân, rồng, kế đến là ngựa có đai, yên phủ vải đỏ, có lính thú dẫn đường.

Sắc thần được rước vào đình, tiến hành cúng an vị, cúng tiền vãng (cúng những vị có công xây dựng đình).

Sau cúng tiền vãng là lễ túc yết (lễ xin ra mắt, yết kiến, một trong những nghi lễ không thể thiếu trong lễ kỳ yên). Phẩm vật chính bao gồm: 2 con heo quay, 1 con heo sống để tưởng nhớ thời ông cha ăn lông, ở lỗ, xôi, bánh trà, hoa, rượu… Sau khi trống đổ ‘tiếp giá nghinh thiêng’, trên nền nhạc Nam xuân, Nam ai, Đảo ngũ cung, có Đào thài, 14 học trò lễ lần lượt dâng cúng 3 tuần rượu, 1 tuần hương, 4 tuần trà. Học trò lễ cung kính dâng lên các vị thần lễ vật bày tỏ lòng tri ân của nhân dân đối với Thành hoàng, Tiền hiền, Hậu hiền, những người có công mở mang bờ cõi, có công xây dựng đình như hôm nay. Trong lễ túc yết, lễ thức quan trọng là phần khấn nguyện, ngưỡng vọng linh thần, Thành hoàng bản cảnh xã Gia Lộc - Ông cả Đặng Văn Trước. Tiếp đến là nghi lễ ẩm phước, phân phát lộc của các vị thần đến các ông Chánh tế, Bồi tề, Đông hiến, Tây hiến.

Trong lễ kỳ yên, lễ xây chầu - đại bội (chầu hát cầu mùa màng bội thu) là lễ thức quan trọng. Xây chầu không thể thiếu trống chầu. Người xây chầu là người cao tuổi, thể hiện sự trường thọ, người có đạo đức và nắm rõ nghi thức hành lễ. Trống chầu ở đình Gia Lộc là loại trống đại, có từ lâu đời. Cụ Nguyễn Văn Kềm, 88 tuổi, đã trông nom đình 45 năm cho biết, lúc nhỏ đến chơi ở đình đã thấy trống chầu này. Trống chầu phải được đặt đúng hướng, đúng luồng sinh khí để tránh những điều kỵ với chủ tế. Trống trở thành thái cực linh thiêng. Vì vậy, không ai được bước lên sân khấu, hoặc trải chiếu dưới trống. Người ta tin rằng, tiếng trống thái cực đêm khuya chẳng những làm cho thông thiên triệt địa, khiến cho hoàng thiên hậu thổ, thánh thần cảm ứng, mà còn tiêu diệt phiền não và khổ ải, đem lại sự an lạc, hòa ái. Tiếng trống sẽ xua tà ma, yêu quái tránh xa, biến mất. Tiếng trống còn có một sinh lực thức tỉnh con người, tránh xa những điều xấu, đoàn kết làm những điều lành cho quốc thái dân an.

Lễ cúng đình thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, sự gắn kết cộng đồng, không chỉ trên địa bàn của xã Gia Lộc, của huyện Trảng Bàng, mà còn có ảnh hưởng lan toả trong và ngoài tỉnh. Lễ hội còn lưu giữ được các lễ thức xưa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; nhiều trò chơi dân gian, trò diễn của đình Nam Bộ được lưu giữ như: hát bội, chọi gà, kéo co, nhảy bao bố, thi kết hoa, trái, làm bánh tráng phơi sương, nấu bánh canh Trảng Bàng… 

Với ý nghĩa giá trị lịch sử văn hóa trên, đình Gia Lộc được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 3211/QĐ-BVHTTDL ngày 12/12/1994 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Bên cạnh đó, Lễ hội Kỳ Yên ở đình Gia Lộc là lễ hội truyền thống được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia tại Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27/12/2012.

Theo Hồ sơ di sản - tư liệu Cục Di sản văn hóa; Bảo tàng Tây Ninh

Tác giả bài viết: Văn Phát (tổng hợp)

Nguồn tin: dsvh.gov.vn; baotang.tayninh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,345
  • Tháng hiện tại13,110
  • Tổng lượt truy cập430,913
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây