Di tích căn cứ Thanh niên cách mạng Trảng Bàng tại Rừng Rong tọa lạc xóm Bàu Mây, ấp An Đước, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Nơi đây, vào năm 1946 lực lượng Thanh niên Tiền phong xã An Tịnh đã xây dựng căn cứ kháng chiến chống Pháp.
Tượng đài chiến sĩ Rừng Rong tại Khu di tích lịch sử Rừng Rong
Thời điểm đó, thực dân Pháp chiếm Tây Ninh lần thứ 2, tăng cường càn quét khắp nơi, ra sức xây dựng bộ máy cai trị. Bên cạnh đó, địch từng bước tiến hành đóng các đồn bót, chiếm giữ các đầu mối giao thông, chia cắt Trảng Bàng thành nhiều vùng nhỏ, án ngữ các vùng đông dân cư, các đồn điền cao su. Tại An Tịnh, chúng thiết lập 2 đồn ở An Thành và Suối Sâu.
Trước sự đánh phá ác liệt của quân Pháp và bọn tay sai, lực lượng của ta tạm rút lui vào Bàu Mây, Lợi Hoà Đông để bảo toàn lực lượng, chọn rừng Rong làm chỗ để xây dựng căn cứ du kích. Sau đó, ta bắt được liên lạc với một số đồng chí: Trần Văn Chói, Sỹ, Sáu Hung, chị Lan, Hồ Văn Sanh ở mặt trận Trâm Vàng; Biện Học Tập, Lâm Quang Vinh, Tiến ở mặt trận cầu Quan (An Hoà); Bang, Xếp, Lõi ở Đôn Thuận và những người còn ở lại mặt trận Suối Sâu là 27 người.
Tất cả tập họp ở rừng Rong để củng cố tổ chức, thành lập nhóm thanh niên vũ trang Rừng Rong, do đồng chí Trần Văn Chói làm chỉ huy trưởng. Nhóm thanh niên vũ trang Rừng Rong sống dựa vào dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, động viên nhân dân kháng chiến đến cùng và được nhân dân đùm bọc.
Cũng chính nhờ các cơ sở quần chúng nắm bắt tình hình địch, nên nhóm đã diệt được nhiều tên Việt gian. Lúc bấy giờ, lực lượng chỉ có 5 súng hai nòng, 7 súng ngắn, 2 súng mút, 2 khẩu tiểu liên mitraillette, 1 khẩu Thompson và một số lựu đạn nhưng vẫn kiên cường bám trụ, hoạt động liên tục.
Ngày 28 tháng Chạp năm Ất Dậu (30.1.1946), các đồng chí trong Đội tự vệ chiến đấu tập trung về rừng Rong để chuẩn bị đón xuân đầu tiên trong kháng chiến, hàng trăm đồng bào đến dự. Bà con An Tịnh gởi tặng một ít gạo nếp, bánh tét và 5 con gà.
Đúng Giao thừa 30 tháng Chạp năm Bính Tuất, tức rạng sáng ngày 2.2.1946 tại rừng Rong, trong buổi vui tết đạm bạc, anh em thảo luận tình hình, tất cả đều nhận thấy cuộc kháng chiến sẽ còn lâu dài, nhiều gian khổ hy sinh nên quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Buổi vui tết trở thành lễ tuyên thệ. 27 nam nữ thanh niên Trảng Bàng đứng dưới cờ đỏ sao vàng, cùng cắt máu thề quyết tử trước bàn thờ Tổ quốc. Năm lời thề đó là:
1. Độc lập hay chết! Xin thề
2. Chết tự do hơn sống nô lệ! Xin thề.
3. Dù đầu râu tóc bạc vẫn còn chiến đấu! Xin thề.
4. Dù phải hy sinh đời cha, thì con cháu tiếp tục chiến đấu! Xin thề.
5. Ai phản bội, đầu hàng phải bị xử tử! Xin thề.
Bà Trần Thị Đường (phải), người chiến sĩ của hội thề Rừng Rong, xúc động ôn lại sự kiện lịch sử
Từ chiến khu và Hội thề thiêng liêng đó, lực lượng thanh niên Trảng Bàng đã hồ hởi ra đi chiến đấu, lập chiến công vẻ vang qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Cũng từ đó, ngày hội thề tại Rừng Rong là ngày truyền thống của Thanh niên cách mạng Trảng Bàng.
Kế tục sự nghiệp vẻ vang của Thanh niên Rừng Rong, trong phong trào Đồng Khởi năm 1960, tiểu đoàn 14 được thành lập tại Bời Lời và trở thành đơn vị chủ lực của tỉnh.
Cán bộ Thanh niên Rừng Rong xưa tham dự họp mặt ngày Hội thề Rừng Rong.
Đầu năm 1965, những thế hệ nối tiếp thanh niên Rừng Rong đã đào địa đạo chiến đấu An Thới, một cánh cửa thép bảo vệ căn cứ địa Bời Lời.
Hội thề của thanh niên cách mạng Trảng Bàng tại Rừng Rong là một biểu tượng của ý chí khát vọng độc lập tự do, quyết chiến quyết thắng quân thù, tinh thần cách mạng tiến công và tình đoàn kết quân dân.
Với ý nghĩa lịch sử ấy căn cứ Thanh niên cách mạng Trảng Bàng tại Rừng Rong đã được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 51/2001/QĐ-BVHTT ngày 27/12/2001 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch)
Theo TTXVN, Báo Tây Ninh, Bảo tàng Tây Ninh.
Tác giả bài viết: Văn Phát (tổng hợp)
Nguồn tin: baotintuc.vn; baotayninh.vn; baotang.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc