Đổi mới việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội

Thứ tư - 06/11/2024 11:28 23 0

Quốc hội đã có 4 lần lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn giữ các chức danh trong bộ máy nhà nước ở Trung ương. Các cuộc lấy phiếu tín nhiệm đã đạt được những kết quả nhất định, song rất cần đổi mới một số nội dung lấy phiếu theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV.

Thực thi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 (gọi tắt là Luật hoạt động giám sát), trong ba nhiệm kỳ (khóa XIII, XIV và XV), Quốc hội đã có 4 lần lấy phiếu tín nhiệm đối với những người được Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn giữ các chức danh trong bộ máy nhà nước ở Trung ương. Các cuộc lấy phiếu tín nhiệm đã đạt được những kết quả nhất định, song rất cần đổi mới một số nội dung lấy phiếu theo yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật này tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa XV. 

Trong điều kiện bình thường, mỗi nhiệm kỳ có 50 chức danh trong bộ máy nhà nước cấp Trung ương do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn, trong đó có 9 chức danh là cấp Phó, gồm 1 Phó Chủ tịch nước, 4 Phó Chủ tịch Quốc hội và 4 Phó Thủ tướng; còn lại 41 chức danh là cấp Trưởng - người đứng đầu. Như thể đủ biết các chức danh này quan trọng thế nào. Những người giữ các chức danh này, họ là những người ưu tú nhất; tài, đức vẹn toàn. Trước hết họ phải là những người hoàn toàn đạt các tiểu chuẩn chung và các tiêu chuẩn chức danh cụ thể theo Quy định 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng.  

Một số vấn đề rút ra qua các lần lấy phiếu tín nhiệm

Qua 4 lần lấy phiếu tín nhiệm ở ba nhiệm kỳ Quốc hội cho thấy, tất cả các chức danh đều đạt mức “tín nhiệm cao” cộng “tín nhiệm” từ trên 50% trở lên. Nhưng nếu chỉ tính mức “tín nhiệm cao” đạt từ 50% trở lên thì lần đầu có 18/47 chức danh (38,3%), lần thứ hai 25/50 chức danh (50%), lần thứ ba 34/48 chức danh (71%), lần thứ tư 39/44 (88,6%).

Các số liệu này cho thấy ở hầu hết các chức danh, lần lấy phiếu sau có bước tiến bộ hơn lần trước. Kết quả này đúng với cả trường hợp người đã trải qua hai, ba nhiệm kỳ liên tiếp và đúng với cả trường hợp người mới được kế nhiệm chức danh nhiệm kỳ trước.

Một trong những mục đích lấy phiếu tín nhiệm là nhằm “giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động” thì mục đích này cho kết quả rất rõ ràng ở nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tại kỳ họp thứ Năm, ngày 10/6/2013 đã như một “báo động đỏ” đối với cơ quan hành pháp (trong 26 chức danh chỉ có 2 Bộ trưởng có số phiếu “tín nhiệm cao” đạt trên 50%, người đứng đầu Chính phủ chỉ được 42,17%...). Nhưng từ kết quả đó, với sự “thức tỉnh”, phấn đấu nỗ lực, vượt bậc, chỉ một năm rưỡi sau, trong lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai tại Kỳ họp thứ 8 ngày 15/11/2014 tất cả các chức danh thuộc Chính phủ đều tăng nhiều số phiếu “tín nhiệm cao” cộng “tín nhiệm”, trong đó người đứng đầu Chính phủ đã từ 67,87% tăng lên 86,32%. Riêng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ở lần thứ nhất xếp cuối cùng trong 26 chức danh thuộc Chính phủ được lấy phiếu, thì lần thứ hai đã vượt lên ngoạn mục, xếp thứ 2 trên 26 chức danh đó.

Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đã được đổi mới, có tác dụng tích cực ở lần lấy phiếu thứ 4 (tại Quốc hội khóa XV). Nếu ở các Nghị quyết 35 và 85 chỉ quy định tổng quát 2 căn cứ đánh giá là kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp và pháp luật, thì đến Nghị quyết số 96/2023/QH15, tại Điều 6, hai căn cứ tổng quát này được quy định thành 7 nhóm căn cứ cụ thể, chi tiết và đưa căn cứ phẩm chất chính trị lên trên với ý nghĩa “tài và đức” thì “đức là gốc” như Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định.

Việc Nghị quyết số 96 của Quốc hội quy định chi tiết các căn cứ đánh giá (cả định tính và định lượng) như là các tiêu chí cụ thể là nhằm yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo toàn diện, đầy đủ, cụ thể từng tiêu chí để người đánh giá có đầy đủ thông tin cho việc đánh giá, khắc phục tình trạng báo cáo chung chung như các lần trước. Đặc biệt, trong nhóm các căn cứ Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật có những điểm được Nghị quyết nhấn đậm với yêu cầu cao, đó là, khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ. Một số căn cứ cụ thể khác trong nhóm căn cứ này vừa là quy định mới, vừa rất quan trọng, đó là: trách nhiệm nêu gương, sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Với những đổi mới căn cứ đánh giá theo Nghị quyết 96 của Quốc hội, kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần thứ tư đã tiệm cận sát với thực tế hơn.

Sửa đổi, bổ sung các quy định về lấy phiếu tín nhiệm

Việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội trong 4 lần vừa qua, ngoài quy định chung tại Điều 18 của Luật Hoạt động giám sát thì chủ yếu là căn cứ vào quy định cụ thể tại các Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012, Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 và Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội. Do đó, vấn đề đầu tiên là phải kế thừa, phát huy những quy định có tính tích cực của các Nghị quyết đó.

Theo đó, cần sử dụng triệt để Điều 7 của Nghị quyết số 35/2012/QH13. Đó là, “Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ...” thay vì một nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu duy nhất có một lần. Trong 3 nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, nếu một nhiệm kỳ chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào giữa nhiệm kỳ thì sau lần lấy phiếu đó, dù được tín nhiệm cao hay thấp thì ai nấy cũng “thở phào” nhẹ nhõm yên tâm “giữ ghế” chí ít là đến hết nhiệm kỳ. Mặt khác, những chức danh được bầu hoặc phê chuẩn ở giữa nhiệm kỳ trở về sau, mặc dù có chức danh làm việc tới 3 năm mà không được lấy phiếu tín nhiệm. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà kết quả lấy phiếu tín nhiệm chưa giúp được gì đáng kể về chỉnh đốn nhân sự, mà phải đến hết nhiệm kỳ mới thay đổi, hoặc phải qua công tác kiểm tra của Đảng mới thay đổi được. Thực tế cho thấy, qua công tác kiểm tra của Đảng, tính đến cuối tháng 9/2024 đã có 18 đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ này bị miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm, trong đó có 7 chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (số còn lại do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu), nhưng lúc lấy phiếu tín nhiệm họ đều đạt tỷ lệ cao!

Kinh nghiệm cho thấy, nhiệm kỳ khóa XIII, mới lấy phiếu 2 lần mà có tác dụng rất rõ ràng. Vì vậy, đề nghị từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI trở đi nên thực hiện theo đúng nội dung, “Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm từ năm thứ hai của nhiệm kỳ”. Như vậy mới đạt được đầy đủ các mục tiêu của việc lấy phiếu tín nhiệm. Đó là: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội; Giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động; Làm cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ; Làm căn cứ tham khảo chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ sau.

Về căn cứ đánh giá để ghi phiếu, Điều 6 của Nghị quyết số 96 của Quốc hội quy định khá cụ thể, do đó cần giữ lại và được luật hóa để thực hiện.

Về các mức độ tín nhiệm, hiện hành có 3 mức, “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”. Qua các lần lấy phiếu có “dư luận râm ran” rằng, mức “tín nhiệm” là mức trung bình, đó là nơi chứa đựng của những “lăn tăn” trong quá trình đánh giá: Nếu không thật rõ “tín nhiệm cao”, thôi thì để “tín nhiệm” cho yên tâm. Nếu để “tín nhiệm thấp” thì có gì đó còn áy náy, thôi thì để mức trung bình - “tín nhiệm”... Điều này cũng thể hiện khá rõ trong kết quả lấy phiếu: Có những trường hợp cộng phiếu “tín nhiệm cao” và “tín nhiệm” thì đạt tỷ lệ khá cao, nhưng trong đó chủ yếu là phiếu “tín nhiệm” (phiếu trung bình). Vì vậy, đề nghị chỉ nên có 2 mức là “tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”, hoặc là tín nhiệm và không tín nhiệm sẽ rõ ràng, minh bạch hơn.

Về chế tài xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm, từ Nghị quyết 35 sang Nghị quyết 85 và đến Nghị quyết 96, chế tài được nâng lên tới mức “rất nghiêm khắc” nghĩa là có chức danh phải từ chức. Nhưng qua 4 lần lấy phiếu tín nhiệm, tất cả các chức danh vẫn nguyên tại vị, trong khi thực tế công tác kiểm tra của Đảng đã buộc nhiều chức danh phải rời vị trí công tác, thôi làm nhiệm vụ đại biểu. Vì sao lại như thế? Vì phải tới 50% đến dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì mới bị xem xét. Thực tế lấy phiếu tín nhiệm lần thứ 4, chức danh có nhiều phiếu “tín nhiệm thấp” cũng chỉ 14,97%. Điều đó có nghĩa là, việc quy định phải có hơn 50% hay dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp mới bị xem xét là mức độ quá lớn, quá xa không thể xảy ra.

Từ thực tiễn đó đề nghị, cần xem xét điều chỉnh mức phiếu "tín nhiệm thấp" cho phù hợp với thực tiễn khách quan. Có như vậy mới góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và kiện toàn bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong sach và vững mạnh.

Tất cả các quy định về lấy phiếu tín nhiệm rất cần được luật hóa chi tiết, cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân và Luật Tổ chức Quốc hội để có thể thực thi với hiệu lực, hiệu quả cao nhất.

TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

 

 

 

Tác giả bài viết: Văn Phát (tổng hợp)

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay533
  • Tháng hiện tại2,010
  • Tổng lượt truy cập419,813
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây