Ô nhiễm chất thải nhựa đã trở thành một trong ba thách thức toàn cầu lớn nhất về môi trường hiện nay. Nhận thức được điều đó, Chính phủ Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt thông qua những cam kết quốc tế và hành động quyết liệt giải quyết thách thức lớn này, hướng đến môi trường trong lành và sự phát triển bền vững cho thế hệ mai sau.
Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Tại Việt Nam, tình trạng ô nhiễm nhựa đang gia tăng nhanh chóng, tạo ra những thách thức lớn về quản lý môi trường và yêu cầu sự hợp tác, nỗ lực từ mọi tầng lớp trong xã hội để đối mặt và giải quyết vấn đề này.
Tại Diễn đàn “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương: Trách nhiệm và hành động của thanh niên” do Đoàn Thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Cục Biển và Hải đảo Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho biết, theo số liệu thống kê, mỗi năm, tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường. Trong số rác thải nhựa này, có tới 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển, nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Đáng nói là việc xử lý, tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.
Thực tế trên đã và đang khiến Việt Nam phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bởi bình quân mỗi hộ gia đình hiện sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng. Riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.
Bí thư Đoàn thanh niên Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết: Ô nhiễm rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng đang là vấn đề của toàn cầu. Các sản phẩm từ nhựa, nilon ra đời mang lại không ít tiện ích và đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Ô nhiễm rác thải nhựa, đặc biệt là ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. (Ảnh minh họa: Bích Liên)
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước, hơn 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã được sản xuất, sử dụng, trong đó khoảng 60% lượng sản phẩm đó được chôn lấp hoặc thải thẳng ra môi trường. Những đặc tính bền, khó phân hủy của các sản phẩm nhựa, nilon đã và đang gây ô nhiễm môi trường, để lại những hậu quả không tốt đối với sức khỏe con người và các loài động thực vật trên trái đất.
Theo các chuyên gia môi trường, ô nhiễm rác thải nhựa là vấn đề có tính liên vùng, xuyên biên giới. Giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và từng người dân Việt Nam trong nỗ lực chung của khu vực và toàn cầu. Để giảm thiểu ô nhiễm cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa, chung tay bảo vệ hành tinh xanh.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Những năm gần đây, Việt Nam triển khai nhiều hoạt động thiết thực trong cuộc chiến chống lại rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương. Cụ thể, năm 2017, Việt Nam chính thức gia nhập danh sách 127 quốc gia thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên hợp quốc của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Năm 2018, tại Hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường, với chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực về môi trường, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước như: Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu mục tiêu cụ thể đến năm 2030 “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương”; Vấn đề rác thải nhựa và rác thải nhựa đại dương cùng đã được luật hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020… “Điều này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Việt Nam trong việc hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết vấn nạn về ô nhiễm nhựa”, ông Nguyễn Đức Toàn cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, để đạt được mục tiêu quản lý rác thải nhựa đại dương tiếp cận theo vòng đời của sản phẩm nhựa, theo nguyên tắc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, cần có sự phối hợp thực hiện hiệu quả giữa các Bộ, ngành và địa phương có liên quan. Đến nay, đa số các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.
Hướng đến Hiệp ước toàn cầu chống ô nhiễm nhựa
Cùng chung tay với cộng đồng quốc tế giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa, tại nhiều diễn đàn quốc tế, Việt Nam đã đề xuất các sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Đặc biệt, Việt Nam đã cùng 175 quốc gia trên thế giới thông qua Nghị quyết 5/14 tại Hội nghị đại hội đồng môi trường toàn cầu lần 2 (UNEA5.2), thống nhất việc xây dựng một “Công cụ toàn cầu có tính ràng buộc pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa, bao gồm rác thải nhựa đại dương”.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam và các nước thành viên khác đều ủng hộ việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc về pháp lý để giải quyết vấn đề này. Đây sẽ là bộ khung pháp lý để các quốc gia thành viên xây dựng hành động giảm ô nhiễm nhựa và cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về môi trường.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Toàn cũng cho biết: Đến nay, Ủy ban đàm phán Liên chính phủ (INC) về Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, bao gồm môi trường biển, đã diễn ra 4 phiên họp để xây dựng một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế (ILBI) về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển. Việt Nam (với sự tham gia của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tích cực tham gia đàm phán.
Phiên họp gần nhất INC4 được tổ chức tại Ottawa (Canada) từ ngày 23 - 29/4/2024 đã kéo dài, kết thúc muộn và tiến độ chậm hơn dự kiến. Các nước phát triển, nhất là Liên minh châu Âu và các nước thành viên, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Canada… mong muốn đẩy nhanh tiến độ đàm phán để có thể thông qua Thỏa thuận tại INC-5 ở Busan (Hàn Quốc).
Với bản dự thảo Thỏa thuận số 0 sửa đổi, Hội nghị INC-4 đã đạt được một số kết quả nhất định bao gồm việc các quốc gia đã chính thức đi vào thảo luận lời văn, tổng hợp và cắt giảm được nhiều phương án lựa chọn mặc dù còn nhiều quan điểm khác biệt giữa các quốc gia thành viên. Ban Thư ký sẽ tổng hợp và đưa ra trong thời gian tới giúp cho quá trình đàm phán kết thúc đúng thời hạn tại Hội nghị INC-5 ở Busan (Hàn Quốc) vào cuối năm nay như dự kiến.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, để thực hiện được các mục tiêu của Hiệp ước toàn cầu về ô nhiễm nhựa (sau khi được thông qua), rất nhiều việc phải làm như: Phải có đánh giá tổng thể hiện trạng ô nhiễm nhựa bao gồm môi trường biển; xây dựng lộ trình giảm thiểu phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; hoàn thiện thể chế pháp luật trong quản lý nhựa, hóa chất phụ gia của nhựa, chuyển đổi công bằng…
Ông Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh, hiện nay, các nước cũng đang xem xét thành lập một số quỹ như: “Quỹ thực hiện nhựa” (Plastic Implementation Fund) nhằm hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia và một số hoạt động cụ thể khác như công nghệ, nâng cao năng lực..., “Quỹ tẩy độc” để hỗ trợ xử lý ô nhiễm nhựa trong môi trường biển…/.
Tác giả bài viết: Tổng hợp Anh khang
Nguồn tin: Nguồn tin: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc