Toàn cảnh chợ Long Hoa và núi Bà Đen. (Ảnh: Lê Việt Khánh)
Trong nỗ lực hiện thực hóa các Nghị quyết của Đại hội Đảng, tỉnh Tây Ninh đang quyết liệt triển khai những giải pháp đột phá nhằm phát triển kinh tế - xã hội, trong đó hạ tầng giao thông được xác định là yếu tố then chốt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cùng nhóm công tác chuyên trách, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư vào hạ tầng, đặc biệt là giao thông - đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện.
Huy động nguồn lực, tăng tốc đầu tư giao thông
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tây Ninh dự kiến dành 20.000 tỷ đồng từ ngân sách cho kế hoạch đầu tư trung hạn, trong đó riêng lĩnh vực giao thông chiếm 6.000 tỷ đồng. Con số này không chỉ thể hiện sự quyết tâm mà còn khẳng định vai trò ưu tiên của hạ tầng giao thông trong chiến lược phát triển của tỉnh.
Bên cạnh ngân sách địa phương, Tây Ninh tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ từ Trung ương và huy động các nguồn vốn xã hội hóa để đáp ứng nhu cầu đầu tư ngày càng lớn. Điển hình, dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, với tổng mức đầu tư dự kiến 16.000 tỷ đồng, được xem là dự án trọng điểm của tỉnh trong giai đoạn này. Tuyến cao tốc không chỉ rút ngắn khoảng cách giữa Tây Ninh và TP.HCM mà còn mở ra cánh cửa giao thương với khu vực Đông Nam Bộ và các thị trường quốc tế qua cửa khẩu Mộc Bài.
Ngoài ra, tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát, với tổng vốn đầu tư ước tính 7.000 tỷ đồng, cũng đang được xúc tiến. Đây là tuyến đường chiến lược, kết nối Tây Ninh với Campuchia và các khu vực kinh tế quan trọng trong tỉnh.
Trong quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hạ tầng giao thông được xây dựng theo định hướng đồng bộ, hiện đại, phục vụ cả nhu cầu quốc gia và địa phương.
Những nỗ lực của Tây Ninh đã mang lại nhiều kết quả tích cực như: Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đã hoàn thành các bước chuẩn bị, dự kiến khởi công vào cuối năm 2024: Tuyến Quốc lộ 22B, nối liền các khu vực kinh tế và cửa khẩu quốc tế Xa Mát, được nâng cấp mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và vận tải hàng hóa; Hàng loạt tuyến đường nội tỉnh như đường vành đai, trục đường liên khu vực được đầu tư, góp phần giảm ùn tắc và nâng cao hiệu quả vận tải.
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, Tây Ninh vẫn đối mặt với không ít thách thức, như thiếu hụt nguồn vốn, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng, và sự thiếu đồng bộ trong triển khai các dự án. Trước những khó khăn này, tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể: Khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư, chia sẻ gánh nặng tài chính với ngân sách nhà nước; Tinh giản thủ tục, rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng và cấp phép đầu tư. Áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Khát vọng vươn xa
Với sự quyết tâm và chiến lược phát triển bài bản, Tây Ninh đặt mục tiêu trở thành trung tâm giao thương quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ, đóng vai trò cửa ngõ kết nối quốc tế. Tỉnh kỳ vọng đến năm 2050 sẽ hoàn thiện một hệ thống giao thông hiện đại, đồng bộ, phục vụ phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào sự thịnh vượng của vùng và cả nước.
Hạ tầng giao thông không chỉ là động lực kinh tế, mà còn là yếu tố then chốt gắn kết cộng đồng và mở ra cơ hội phát triển toàn diện. Với sự đồng lòng từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Tây Ninh đang từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển vượt bậc, hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững.
Phối cảnh cao tốc TP.HCM - Mộc Bài.
Trả lời Báo điện tử VTC News, ông Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng, giao thông là ngành phải đi trước, mở đường để các ngành kinh tế khác phát triển. Thực tế đã chứng minh địa phương nào có hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, tức là có hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, cảng biển thì địa phương đó sẽ phát triển nhanh, bền vững.
Từ quan điểm, nhận thức trên thì Đại hội Đảng bộ của tỉnh Tây Ninh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những khâu đột phá của tỉnh. Đây là chủ trương hết sức đúng đắn được nhân dân đồng tình ủng hộ, các ngành, các cấp cả hệ thống chính trị quán triệt và triển khai thực hiện trên tinh thần hết sức quyết liệt.
Để hiện thực hóa quan điểm, nhận thức trên, tỉnh đã tập trung huy động các nguồn lực từ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương và các nguồn lực xã hội khác để phát triển giao thông. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, tổng nguồn vốn của ngân sách tỉnh dành cho thi công trung hạn là 20.000 tỷ đồng nhưng tỉnh đã dành riêng cho giao thông là 6.000 tỷ đồng. Nếu tính tỷ trọng thì chiếm hơn 1/4 tổng vốn đầu tư phát triển trong giai đoạn trung hạn.
Ngoài ra, tỉnh cố gắng tận dụng, tranh thủ các nguồn vốn Trung ương để đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh. Ví dụ dự án đường tuần tra biên giới do Bộ Quốc phòng, Quân khu 7 làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư trong giai đoạn 1 vừa qua là khoảng hơn 1.500 tỷ.
Hiện nay đã đầu tư được khoảng hơn 160km, dự án này có ý nghĩa rất lớn về quốc phòng an ninh và ý nghĩa đối với người dân vùng biên giới để phát triển kinh tế, xã hội. Tuyến đường hoàn thành, người dân rất vui mừng, họ sẽ yên tâm sản xuất, yên tâm cuộc sống bởi hạ tầng bây giờ đã hoàn chỉnh.
Ông Thắng cho rằng, chính sự đồng lòng của người dân dẫn đến việc giải phóng mặt bằng nhanh, giải ngân nhanh, triển khai dự án tốt. Điều này thể hiện khi những năm gần đây, Tây Ninh nằm trong top những tỉnh thành giải ngân khá.
Đường Đất Sét - Bến Củi mang tính kết vùng đã được tỉnh đầu tư và hoàn thiện đưa vào sử dụng trong thời gian qua. (Ảnh: Vũ Nguyệt)
Cụ thể năm 2022, 2023 Tây Ninh cũng là 1 trong 15 tỉnh thành có tỷ lệ giải ngân vốn theo kế hoạch của Thủ tướng đạt được kết quả cao nhất đầu tư công. Năm 2023 nằm trong top 10 giải ngân đúng tiến độ theo quý 6 tháng, 9 tháng.
Yếu tố đóng vai trò quan trọng thứ hai là sự triển khai tập trung quyết liệt. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo đột phá, trong đó giao thông là một mũi đột phá, Ban chỉ đạo này do Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng ban. Kế tiếp là thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng, các ngành liên quan làm thành viên.
Tổ này có nhiệm vụ là chỉ đạo, kiểm tra, xử lý tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các dự án công trình trọng điểm và hàng tháng họp giao ban định kỳ với các chủ đầu tư từ tỉnh đến huyện để nghe báo cáo tình hình giải ngân vốn, nghe những khó khăn vướng mắc, những kiến nghị đề xuất để làm sao tháo gỡ nhanh nhất.
Yếu tố thứ 3 là tỉnh đã thành lập ban giải phóng mặt bằng cho các dự án công trình trọng điểm. Từ khi thành lập ban này, đã tạo sự chuyển biến trong công tác giải phóng mặt bằng.
Một yếu tố quan trọng nữa là đã thành lập nhóm trao đổi công việc gồm lãnh đạo tỉnh, giám đốc sở và lãnh đạo các địa phương để trao đổi cụ thể trên nhóm.
Ví dụ đơn vị, địa phương nào đang vướng giải phóng mặt bằng, chi trả chậm tiền cho dân hoặc nhà thầu làm chậm... thì sẽ đưa vấn đề này lên nhóm để cùng nhau trao đổi, tháo gỡ vướng mắc, tìm giải pháp.
Theo Hoàng Thọ/VTC News
vtcnews.vn
Tác giả bài viết: Văn Phát (tổng hợp)
Nguồn tin: cafef.vn
Ý kiến bạn đọc